Hướng dẫn cách bảo dưỡng giàn tạ

Giàn tạ là dụng cụ hỗ trợ việc tập luyện thể chất, tăng cường sức khỏe được rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ cả nam và nữ giới yêu thích. Bởi vậy, ở tất cả các phòng tập gym, các trung tâm thể dục…đều có lắp đặt giàn tạ để phục vụ nhu cầu người tập. Tuy nhiên, với những người không có điều kiện thời gian và kinh phí để đến các phòng tập, hoặc muốn chủ động tập luyện tại nhà với môn tập cùng giàn tạ thì sẵn sàng lắp đặt riêng giàn tạ đa năng tại nhà.

Có thể nói, kinh phí cho một giàn tạ đúng chuẩn không phải là rẻ, nhưng việc sở hữu giàn tạ đa năng tại nhà đang là xu hướng phổ biến hiện nay của giới trẻ. Bởi giúp cho các bạn tập tạ chủ động được vấn đề thời gian và thuận tiện cho quá trình luyện tập, có tính riêng tư giúp tập trung tinh thần và nghị lực trong lúc tập, không bị chi phối bởi những người xung quanh hay ngoại cảnh tác động.

Để sử dụng lâu dài, đem lại hiệu quả cao trong rèn luyện cơ thể thì giàn tạ cần được bảo quản bảo dưỡng thường xuyên và đúng cách. Việc này cũng khá đơn giản bởi cấu tạo và thiết kế giàn tạ không quá phức tạp, chất liệu phổ biến là sắt, thép nên thuận lợi cho việc bảo quản bảo dưỡng.

Hướng dẫn cách bảo dưỡng giàn tạ

1. Bảo quản khung tạ

Khung giàn tạ thường được thiết kế bằng thép và bề mặt được phủ sơn tĩnh điện. Việc bảo quản, bảo dưỡng khá đơn giản bằng cách dùng giẻ khô và mềm lau chùi bụi bám. 

Chú ý không sử dụng giẻ ướt hoặc các vật cứng cọ xát sẽ làm lớp sơn nhanh bong tróc. Tốt nhất nên có 1 chiếc khăn mềm để sẵn sàng cho việc lau chùi sau khi tập, tránh để bụi hoặc mồ hôi bám vào lâu ngày. 

2.Bảo quản lớp đệm mút

Phần đệm mút cần được chú ý thường xuyên bởi đây là phần dễ bị bám cặn bẩn hay ẩm mốc. Đệm mút hút nước từ mồ hôi, thậm chí hút hơi nước từ không khí nên khó bảo quản. Khi có hiện tượng cáu bẩn hay ẩm mốc, chúng ta có thể dùng giẻ mềm tẩm cồn để lau chùi vết ố sau đó lau thật khô.

3. Bảo quản tạ

Tạ thường được thiết kế bằng gang hoặc có lớp nhựa bọc ngoài. Nơi để tạ nên có lớp thảm để tránh va đập với sàn tập.

Với tạ gang ta cần lau chùi bằng giẻ khô sau mỗi buổi tập, tránh để va chạm làm trầy lớp sơn phủ ngoài. 

Với tạ nhựa nên để trong chỗ mát tránh ánh nắng làm biến dạng nhựa, đồng thời thường xuyên lau chùi tránh để cáu bẩn lưu cữu lâu ngày.

4. Thiết kế khu vực tập và đặt tạ

Không nên để giàn tạ ngoài trời. Nền tập cần bằng phẳng, vừa bảo đảm an toàn cho người tập, vừa giúp cố định tạ dễ dàng. Nơi đặt tạ và nơi tập nên có lót thảm mềm để tránh va chạm. Ngoài ra, khu tập tạ nên rộng rãi tối thiểu 10m2 để đảm bảo không gian cho vận động và thoáng khí. Nên chọn vị trí cố định sẽ giúp cho việc bảo quản giàn tạ được bền hơn, tránh việc di chuyển nhiều.

“Của bền tại người”, vậy nên để giàn tạ đa năng mà bạn tốn không ít kinh phí đầu tư có thể đồng hành với bạn lâu dài trong quá trình luyện tập nâng cao sức khỏe, bạn hãy ghi nhớ cách chăm sóc, bảo quản giàn tạ như hướng dẫn trên đây.